CHUC MUNG NAM MOI 2014_LOP A BAC DUYEN HA

CHUC MUNG NAM MOI 2014_LOP A BAC DUYEN HA
Số điện thoại đường dây nóng: Quang:0989.794.396_Bàng: 0932.228.773_Thọ:094.486.1920_Xuyên:0912.763.660

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam



          Hôm nay, chủ nhật 27 tháng 2 năm 2011 là 56 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam (Kể từ năm 1955 )


          Nhân Ngày Thầy Thuốc tôi xin gửi lời chúc các gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe để luôn đạt được kết quả tốt nhất trong công tác, học tập và sinh hoạt .

       Chúc các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức về y học nói chung để mỗi chúng ta sẽ trở thành những "Thầy thuốc tại gia ". Rất mong các anh chị có con còn bé như Anh Tiến, Anh Lực, Anh Thọ, Chị Thúy... sẽ đỡ vất vả và có nhiều kinh nghiệm chăm sóc các cháu khôn lớn.
      Mỗi chúng ta ai cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về y học và nếu hiểu biết càng nhiều thì càng quý; Nó không những có thể tự áp dụng để chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mỗi chúng ta mà còn có thể chăm sóc cho vợ chồng con cái và gia đình.
       Nhân ngày Thầy thuốc tôi xin phép được sưu tầm một số thông tin trong lĩnh vực y học trong bài viết này

       Biểu tượng ngành y 

        Biểu tượng nghề y sĩ là một cây gậy với một con rắn quấn quanh, gọi là Gậy Aesculapius hay Gậy Asklepios, dùng tên của vị thần thuốc men trong thần thoại Hy Lạp. Vị thần này có tên Hy Lạp là Asklepios và tên La Mã là Aesculapius, được xem là một vị thần hiền dịu, chữa lành các bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần của con người. Các tín hữu của thần này lập các đền thờ gọi là asclepions, đền thờ Asklepios, đền thờ chữa bệnh. Đền thờ lớn nhất tọa lạc trong một khu vườn rộng rãi ở Corinth, một thành phố rất lớn thời cổ đại. Người bệnh khắp nơi đến đền thờ, ngủ lại đêm để chờ lấy thuốc, và thường cúng cho thần một con gà. 

      Aesculapius có nhiều con, kể cả Hygieia, nữ thần của sức khỏe, từ đó có chữ hygiene (vệ sinh), và Panaceia, nữ thần chữa bệnh, từ đó có chữ panacea, thần dược vạn năng. 

        Gậy Aesculapius là biểu tượng của y tế tại nhiều nơi trên thế giới kể cả American Medical Association và Bộ Y Tế Việt Nam. 

     Tuy vậy, ngày nay, nhiều nơi đã nhầm lẫn và dùng Gậy Caduceus làm biểu tượng y tế. Gậy Caduceus (phát âm /kəˈdjuːsiəs, -ʃəs/, từ tiếng Hy Lạp kerykeion κηρύκειον) là một cây gậy ngắn với hai cánh ở đầu và hai con rắn quấn quanh thân. 

        Gậy này trước là do Iris mang. Iris là thần thông tin của nữ thần Hera, vợ của vua trời Zeus. Sau này, gậy này đổi tên là Đũa Thần của Hermes, vì thần Hermes mang nó. Gậy này về sau lại là biểu tượng của thần Mercury, hành tinh trong Thái dương hệ. 

      Dù chẳng liên hệ gì đến y ‎ tế, ngày nay gậy Caduceus được dùng là biểu tượng y tế nhiều nơi, chỉ vì người ta lẫn lộn nó với gậy Asclepius. 

Hippocrates và Lời thề Hippocrates 

       Hippocrates (khoảng 460 – 370 Trước Công Nguyên) là một y sĩ Hy Lạp thời cổ đại và được xem là tổ phụ của nền y khoa Tây phương. Hippocrates khởi xướng một nền y khoa có tính cách khoa học và bị chống đối kịch liệt bởi hệ thống y khoa của Hy Lạp thời đó là hệ thống chữa bệnh một nửa là y học một nửa là pháp thuật phù thủy. Vì các chống đối này mà Hippocrates bị ở tù 20 năm. Ở trong tù ông viết quyển “Cơ Thể Phức Tạp”, nhiều điều trong đó về cơ thể con người vẫn đúng cho đến ngày nay. 

        Y khoa các nước Tây phương (và có lẽ mọi quốc gia trên thế giới ngày nay) có “Lời Thề Hippocrates” cho các bác sĩ tuyên thệ khi vào nghề. Ở Việt Nam ta còn gọi là “Lời thề Y đức”. Hiện nay lời thề Hippocrates có vài phiên bản mới. 

        Tôi tuyên thệ với Apollo, thần chữa bệnh, Asclepius, Hygieia, và Panacea, và tôi minh chứng với tất cả các nam thần, các nữ thần, tôi gìn giữ, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, lời thề sau đây: 

        Yêu kính, như là cha mẹ tôi, người đã dạy tôi môn học này; sống hòa nhã với thầy và, nếu cần, chia sẻ tài sản với thầy; chăm sóc con cái thầy như là anh chị em tôi, và dạy họ môn học này. 

       Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, và không bao giờ làm hại ai. 

         Tôi không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kì ai hỏi tôi, và sẽ không tư vấn một kế hoạch như vậy; và cũng như thế tôi sẽ không cho bất kì người phụ nữ nào một dụng cụ phá thai. 

      Nhưng tôi sẽ giữ tinh khiết cho đời tôi và cho nghề nghiệp của tôi. 

      Tôi sẽ không giải phẩu để lấy sạn, kể cả đối với bệnh nhân biểu lộ là mang bệnh này; tôi sẽ dành việc giải phẩu cho những y sĩ, chuyên gia về bệnh này. 

        Mỗi căn nhà tôi bước vào, tôi bước vào vì lợi ích của bệnh nhân của tôi, giữ gìn tôi khỏi mọi ý đồ xấu xa và mọi cám dỗ và đặc biệt là khỏi các khoái lạc tình yêu với phụ nữ hay với nam giới, dù họ là người tự do hay nô lệ. 

         Tất cả mọi điều tôi biết trong khi hành nghề hay trong giao tiếp với mọi người, mà không nên để lộ ta ngoài, tôi sẽ giữ bí mật và sẽ không bao giờ tiết lộ. 

       Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi; nhưng nếu tôi đi trái đường và vi phạm lời thề, những điều ngược lại sẽ đến với tôi. 

Ông tổ Đông Y Việt Nam


     Ở Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông ngày nay được xem là biểu tượng cho y sĩ. Hải Thượng Lãn Ông (“Ông già lười Hải Thượng”) là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác. 

      Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý 1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Khi ấy, 20 tuổi, ông vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, nhưng xã hội bấy giờ rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi, ông bắt đầu nghiên cứu thêm binh thư và võ nghệ, “nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình”.
       Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, nhiệt tình chữa khỏi.
      Trong thời gian hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông thường đọc “Phùng thị cẩm nang” và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông. 
       Ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi. 
      Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ “Y tôn tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn ông. 

        Ông qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. 

        Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 22 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh là công trình y học suất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.