CHUC MUNG NAM MOI 2014_LOP A BAC DUYEN HA

CHUC MUNG NAM MOI 2014_LOP A BAC DUYEN HA
Số điện thoại đường dây nóng: Quang:0989.794.396_Bàng: 0932.228.773_Thọ:094.486.1920_Xuyên:0912.763.660

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Chủ đề quê hương



ÂM VANG LỄ HỘI ĐUỔI CUỐC LÀNG THƯỢNG 


        (Sưu tầm trên internet)Về với mảnh đất Hưng Hà (Thái Bình), tìm về thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang nghe các cụ cao niên trong làng kể về một ngày hội có một không hai trong vùng mà chỉ diễn ra ở làng Thượng Ngạn. Đó là cả một câu chuyện ly kỳ gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tìm về quá khứ…
Lần tìm về quá khứ theo vết mòn của những câu chuyện tưởng chừng như chuyện cổ tích để hiểu về một lễ hội đặc sắc với tôi không phải đơn giản. Cũng bởi Lễ hội Đuổi Cuốc đến nay không còn diễn ra, nó bị chôn vùi trong ký ức của người dân làng Thượng Ngạn. Tôi tìm gặp các cụ gạo cội trong làng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, các cụ là những người hiếm hoi được chứng kiến Lễ hội Đuổi Cuốc diễn ra còn ngày nay thì chẳng mấy ai biết đến nó. Lễ hội Đuổi Cuốc của làng Thượng Ngạn xưa được ghi chép rất cụ thể trong “ngọc phả” của làng.

Theo truyền thuyết dân làng vẫn rỉ tai nhau, khi lục vị đại vương (6 vị đại vương được phong làm thành hoàng làng Tháp Khu, trang Thượng Ngạn nay là thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang) dẹp xong giặc Man đưa quân về Đình Tháp Khu ăn mừng chiến thắng. Sau khi thua trận, giặc Man khiếp sợ hóa thành con cuốc đen chui lủi trong bụi rậm tối tăm… Để tưởng nhớ công ơn các vị đại vương. Hàng năm cứ vào ngày mùng 4 tết Nguyên Đán, dân làng Thượng lại mở hội Đuổi Cuốc để tế thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng no ấm…

Lễ hội Đuổi Cuốc chỉ diễn ra một ngày trong năm, ngay từ sáng sớm tất cả trai tráng trong làng từ 18 đến 45 tuổi tập trung trước sân đình theo từng giáp (theo họ), trang phục quần áo lính chỉnh tề. Mỗi người chuẩn bị một đoạn gậy tre đực chắc chắn làm vũ khí “chiến đấu”. Chỉ huy lễ hội phải là người có địa vị cao trong làng, được dân làng tôn kính, người chỉ huy vận trang phục như một vị tướng quân, tay cầm cờ lệnh ngũ sắc. Sau khi quân số các giáp đã tề tịu đông đủ, người chỉ huy vào cung cấm trong đình làm lễ tế thánh xin xuất quân cho kịp giờ lành. Sau khi lễ thánh, trận đánh bắt đầu, tùy theo hướng thuận năm tổ chức hội mà người chỉ huy phất cờ lệnh dẫn quân theo hướng đó. Lễ hội Đuổi Cuốc thực sự đi vào sôi động, náo nhiệt như một cuộc chinh chiến khi tiếng thanh la, chiêng trống vang dậy một vùng. Sau khi đã phát hiện nơi có cuốc ẩn náu, quân và dân tham gia tạo thành mội vòng tròn khép kín, người hò hét, người cầm gậy đập liên hồi vào bụi cây nơi cuốc ẩn nấp. Cứ như vậy, vây đánh từng vùng có trọng điểm cho đến khi bắt được cuốc mới được lệnh thu quân về đình làng. Những năm nào bắt được cuốc là năm đó làng sẽ may mắn, dân làng phải mở hội lớn, người bắt được cuốc ăn mặc chỉnh tề vào làm lễ tạ thành hoàng làng và nhận phần thưởng.

Cuốc làm thịt tế thành hoàng làng sau đó thịt cuốc được chia đều cho các giáp, các giáp chia đều cho các đinh như vậy tất cả dân làng đều được thụ hưởng chiến thắng điều đó minh chứng cho tinh thần đoàn kết xóm làng. Riêng đầu cuốc được dâng lên cho người chức sắc, tiên chỉ của làng. Trong cuốn “khảo lược lịch sử văn hóa làng Thượng Ngạn” đề cập khá rõ nét lễ hội này như một nét văn hóa đặc trưng trong hệ thống lễ hội vùng Diên Hà xưa, Hưng Hà hôm nay. Lễ hội Đuổi Cuốc diễn ra hết ngày mùng 4 với phần lễ trang nghiêm tôn kính tưởng nhớ đến lục vị đại vương có công giúp vua giữ cõi, phần hội vui tươi với nhiều trò chơi dân gian như đấu cờ người, chọi gà,
kéo co… nhiều tiết mục văn nghệ làng tô thêm nét đẹp cho ngày hội Đuổi Cuốc đầu năm.

Khôi phục và bảo tồn…
Gặp gỡ ông Đào Ngọc Phao, trưởng ban quản khu di tích Đình, Chùa Thượng Ngạn tôi mới hiểu được trăn trở của những người làm công tác quản lý và bảo tồn văn hóa, lịch sử. Điều đáng tự hào là hiện nay đình làng Thượng Ngạn vẫn gìn giữ được khá nguyên vẹn các cổ vật có hơn 400 năm tuổi. Riêng cuốn Ngọc phả là bảo vật thiêng của làng, nơi lưu giữ hồn cốt lịch sử ngàn đời. Năm 2005, cụm di tích Đình Thượng Ngạn vinh dự đón nhận Bằng Di Tích Lịch Sử cấp tỉnh của UBND tỉnh Thái Bình. Nhưng những lễ hội như Lễ hội Đuổi Cuốc tồn tại hàng trăm năm trong đời sống tâm linh của người dân đến nay đã mai một hoàn toàn. Đó là điều đáng tiếc cho lớp cháu con khi chiêm nghiệm lịch sử. Ông Đào Ngọc Phao cho biết: “Lễ hội Đuổi Cuốc đến nay không còn do trải qua hai cuộc chiến tranh, trai tráng trong làng lên đường tham gia chiến đấu nên dần dần lễ hội đi vào quên lãng, chúng tôi cũng đang nỗ lực khôi phục lại lễ hội này theo ghi chép trong sách cổ của làng để gìn giữ những nét đẹp văn hóa làng”.

Cho dù chưa tận mắt chứng kiến Lễ hội Đuổi Cuốc làng Thượng nhưng âm vang của nó vẫn còn vang vọng trên mảnh đất hội tụ khí thiêng Hưng Hà, một mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Để Lễ hội Đuổi Cuốc trở về hiện tại cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành trong tỉnh cùng chính quyền, nhân dân địa phương trong chiến lược khôi phục và bảo tồn văn hóa để Hưng Hà luôn là một điểm hẹn văn hóa tâm linh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét