CHUC MUNG NAM MOI 2014_LOP A BAC DUYEN HA

CHUC MUNG NAM MOI 2014_LOP A BAC DUYEN HA
Số điện thoại đường dây nóng: Quang:0989.794.396_Bàng: 0932.228.773_Thọ:094.486.1920_Xuyên:0912.763.660

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Trần Đăng Khoa: Giật mình nghe học sinh phê phán giáo dục

(VOV)Lão Khoa rất tâm đắc với lập luận của em học sinh: Học thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp nổi bóng đèn thì học làm gì?
PV: Theo dõi một loạt bài viết của lão cùng với xem một số chương trình truyền hình có lão tham gia, cả Diễn đàn Văn học nghệ thuật VTV1, thấy lão một mình đấu với ba người trong ngành Giáo dục về việc bỏ thi văn vào các trường văn hóa nghệ thuật, có vẻ lão rất tâm huyết với ngành giáo dục…
Trần Đăng Khoa: Đơn giản, vì tôi là một phụ huynh học sinh. Tôi có hai cô con gái đang là học sinh phổ thông. Em gái út của tôi, cô Trần Thúy Giang, cùng rất nhiều bạn bè tôi, hiện vẫn đang đứng trên các bục giảng từ trường tiểu học đến bậc đại học. Chuyện học hành, thi cử là chuyện trong nhà, chuyện của chính mình, làm sao không quan tâm.
Một lần, đồng chí Phó Thủ tướng, phụ trách văn hóa, giáo dục đến thăm và làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam, mỗi cán bộ chủ chốt của Đài được phát biểu không quá 10 phút. Tôi chỉ nói về Đài có 3 phút thôi, bởi Đài phát triển thế nào thì ai cũng đã biết rồi, còn 7 phút, tôi nói về chuyện học hành. Thì cũng là chuyện của Đài. Bởi Đài có cả một Kênh về văn hóa Giáo dục - Kênh VOV2.
Tôi cũng chân thành thưa với đồng chí Phó Thủ tướng rằng, ngày xưa bảy, tám tuổi đi học, cô giảng chỉ ít mấy câu, tôi đã hiểu bài, đã nắm vững ngữ pháp tiếng Việt ngay tại lớp, và rồi với vốn liếng ấy, tôi cũng đã thành nhà thơ, nhà văn nhí, có tác phẩm xuất bản từ khi mới học lớp 1, lớp 2. Bây giờ xem sách học của con tôi, tôi chẳng hiểu gì cả.
Giáo dục phổ thông Việt Nam quá nặng lý thuyết (ảnh minh họa của Lao động)




Mấy ông bà Tiến sĩ học ở nước ngoài, lấy luôn những kiến thức người ta đào tạo các nhà ngôn ngữ học về làm ngữ pháp dạy trẻ con. Lẽ ra, để dạy con trẻ, cần giản dị. Phải biến những gì phức tạp thành đơn giản. Ta thì làm ngược lại. Biến những gì dễ hiểu, đơn giản thành phức tạp, rối tinh rối mù.
Đối với trẻ con, cần tránh kinh viện, hàn lâm. Bây giờ chương trình cũng đã có sự điều chỉnh, nhưng vẫn rất nặng. Có thầy cô nói với tôi, nếu buông sách hướng dẫn giảng dạy, chúng tôi cũng chẳng biết giảng thế nào. Thế thì trẻ con nó sợ học là phải. Ta hiểu vì sao, có nơi, trẻ con bỏ học hàng loạt. Nếu trở lại lứa tuổi học trò, tôi cũng bỏ học…
PV: Em cũng có nghe đồng nghiệp của lão kể về buổi gặp gỡ rất ấn tượng của các cán bộ Đài với đồng chí Phó Thủ tướng. Trở lại với chuyện bỏ thi văn vào các trường văn hóa nghệ thuật…
Trần Đăng Khoa: Tôi cho đó là việc làm không ổn, nếu không nói là một sai lầm. Bởi ở ta toàn học đối phó. Cái tâm lý đối phó đã nhiễm vào máu rồi. Nếu không thi thì sẽ không học, hoặc nếu có học thì cũng chỉ học một cách quấy quá. Học trò coi thường môn học thì thầy cô cũng mất hứng, làm sao có được những tiết giảng hay.
Tất nhiên tôi không cổ xúy chuyện thi cử, nhất là thi cử một cách nặng nề, từ lâu đã trở thành áp lực với các em và cả các bậc phụ huynh học sinh. Ở một số nước, người ta còn bỏ thi phổ thông, thậm chí bỏ cả thi vào đại học. Chỉ xét điểm trong quá trình học. Tôi cũng mong nước mình như thế. Nhưng đó là chuyện tương lai. Để có được điều đó, phải thay đổi hoàn toàn cách dạy và học.
Nghĩa là phải có một cuộc cải cách giáo dục, cải cách toàn diện từ cội rễ, để có một nền giáo dục sạch sẽ và trung thực, chứ không phải chỉ viết lại sách giáo khoa, tốn kém rất nhiều tiền bạc của dân, mà hiệu quả lại rất thấp, bởi rốt cuộc, ta chỉ thay sự bất cập này bằng những bất cập khác, có khi hậu quả lại còn xấu hơn.
Để có cuộc cải cách ấy, phải tiến hành toàn diện và đồng bộ. Nhảy tắt cũng không được. Nếu bỏ thi ngay, tuyển đại học chỉ căn cứ vào điểm trung bình trong cả quá trình học thì liệu có ổn không, khi ở ta bệnh thành tích đã trở thành đại dịch, rất khó chữa. Cũng đã từng có cháu bé học đến lớp 7 rồi mà vẫn không biết đọc biết viết. Nghĩa là cháu mù chữ hoàn toàn. Nếu xét điểm thì chắc điểm của cháu cũng không đến nỗi quá tồi. Nếu điểm thấp thì không thể lên lớp được. Vậy thì có thể tin vào điểm được không?
Trong loạt bài viết trước, tôi có nói đại ý rằng không nên quá căng thẳng trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Thậm chí ở cấp phổ thông, có thể bỏ thi, thay vào đó, các cháu chỉ cần làm bài kiểm tra những kiến thức cơ bản, rồi cho các cháu tốt nghiệp, ra trường, đi lao động, đào than hay cày ruộng, cấy lúa. Cháu nào giỏi thì đào tạo tiếp.
Vào đại học mới cần phải tuyển chặt chẽ. Bởi đó là nơi đào tạo trí thức, đào tạo cán bộ. Đầu vào phải chặt. Bởi ai vào được đại học cũng đều tốt nghiệp, ra trường cả, có ai lưu ban đâu. Điều này ngược hoàn toàn với các nước trên thế giới. Vì thế lại càng phải chọn lọc kỹ. Còn chương trình phổ thông thì không nên quá nặng nề.
Tôi rất đồng cảm với một em học sinh lớp 12 khi em thuyết trình hơn một tiếng đồng hồ về những bất cập của nền giáo dục nước nhà mà tôi cũng đã đề cập trong số báo trước. Những ý kiến của em rất đáng lưu ý.
Em bảo: “Có người hỏi tôi, ở phổ thông, học đến lớp mấy là đủ, tôi trả lời lớp 9. Tại sao lại lớp 9? Vì tôi tin rằng tuổi 14, 15 xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Có người muốn làm lập trình viên, đầu bếp nhà hàng, giám đốc ngân hàng, thiết kế thời trang, thậm chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Đâu phải nghề nào cũng cần biết đến phương trình chuyển động? Một kỹ sư vật lý liệu có cần phải phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn hay không? Một nhà văn có cần thiết phải biết phương trình của một loạt các phản ứng hóa học? Tôi không tin có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức Trung học Phổ thông. Giáo viên hay giáo sư cũng đi theo một vài kiến thức chuyên môn của mình, vậy mà học sinh lại phải học tất cả.
Biết nhiều cũng tốt, nhưng để làm gì? Làm bài tập, làm kiểm tra, làm bài thi, thi xong rồi thì làm gì với chúng nữa? Nếu không có ích cho bản thân thì học để làm gì? Đánh giá nhau không phải là anh biết được bao nhiêu, mà là anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết? Học thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp được bóng đèn thì học làm gì? Học phương pháp lai phân tích, quy luật di truyền mà trồng một cái cây không lớn nổi thì học làm gì? 
Kiến thức SGK toàn lý thuyết thiếu thực tiễn, nhiều chỗ mang tính hàn lâm mà đâu phải ai cũng đầy đủ năng lực và niềm yêu thích. Quỹ thời gian không đủ, nhiều bạn thức thâu đêm học bài, như thế chỉ tổn thọ chứ chẳng được lợi lộc gì. Giáo viên nào thông cảm thì lại dạy cho có hình thức, học sinh không tôn trọng môn học, ảnh hưởng đến tinh thần đối phó trong công việc. Làm như thế mà mong có một tương lai xán lạn ư? Thật là thê thảm!
Chính nền giáo dục này đã tạo tiền đề cho tính cách đối phó hoành hành. Cách học ở trường cũng chỉ là đối phó. Ở đây tôi không nói đến việc mang phao vào trước mỗi giờ kiểm tra, bởi đó là điều hiển nhiên, tất yếu. Điều tôi muốn hỏi những ai là học sinh: Nếu sáng mai không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không? Tất nhiên là không!”
Đấy là tiếng nói của chính người trong cuộc. Cũng theo em học sinh lớp 12 ấy, cách dạy và học của chúng ta chỉ có thể đào tạo ra được những con vẹt. Trong khi cái đích mà chúng ta muốn vươn tới là đào tạo Con Người. Nhưng theo tác giả “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”, ở ta, với cách giáo dục như hiện nay chỉ có thể cho ra lò “những kẻ nô lệ hay những con vẹt”.
PV: Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ thi. Năm nào kỳ thi cũng căng thẳng, ngột ngạt. Năm ngoái theo giới báo chí, kỳ suôn sẻ hơn, vì không có sự cố quay cóp bị bắt quả tang như “sự kiện Đồi Ngô”, nhưng phao thi vẫn phơi trắng sân trường. Theo lão, có thể giảm tải hiện trạng ấy được không?
Trần Đăng Khoa: Có thể khắc phục được. Chỉ có điều chúng ta có muốn làm hay không mà thôi. Để chấm dứt vĩnh viễn nạn phao thi, hãy thay đổi cách ra đề. Cần đưa ra nhiều đề mở. Như thế sẽ kích thích được sự sáng tạo của các em, cũng xóa bỏ được các lò luyện thi, các phao thi với những bài văn mẫu cứng nhắc.
Điều này, ở nhiều nước, người ta làm rất tốt. Có những đề thi rất hay. Ví như ở Tứ Xuyên, Trung Quốc: “Văn hào Lỗ Tấn bảo: Trên mặt đất vốn không có đường. Cứ đi mãi rồi thành đường”. Nhưng rồi người ta cũng lại bảo: “Trên mặt đất đã có đường, nhưng cứ đi mãi thì cũng không thành đường”. Em hãy viết một bài luận, bàn về con đường và cách đi. Bài viết không quá 800 chữ.” Đề thi như thế phải nói rất  tuyệt vời.
Ngay thời tôi đi học, đề thi cũng rất hay. Tuyệt đối không có sự khô cứng như bây giờ. Có đề thi chỉ vỏn vẻn mấy chữ: “Văn học chắp cánh tâm hồn anh, chị”.
Đến cả môn sử, môn học vừa rồi có sự cố khi đề cương ôn tập ném trắng sân trường. Có người bảo đó là môn khô cứng, nhồi nhét, chỉ thấy những con số, những sự kiện cứng quèo. Ấy vậy mà với cái môn “cứng quèo” ấy, buổi giảng sử nào của thày Trần Quốc Vượng cũng đông đặc học sinh, sinh viên, nhiều người đã học rồi, còn xin đến nghe lại.
Và có lẽ cũng chẳng ai như thày Vượng, trước khi giảng bài ông đã cho ngay đề thi rồi. Một đề thi cũng rất thú vị: “Lịch sử mấy nghìn năm của Việt Nam đã để lại cho anh, chị những bài học gì?”. Với những đề thi như thế, việc mở sách sao chép hay mọi “phao thi” đều trở thành vô nghĩa.
Tiếng nói chân thành thẳng thắn của một em học sinh lớp 12 lan nhanh như gió ở trên mạng, đã cho chúng ta biết một sự thật: Đã đến lúc phải thay đổi. Nghĩa là phải cải cách thật sự, cải cách toàn diện sự nghiệp giáo dục, cải cách từ cội rẽ, chứ không phải chỉ lướt trên cái ngọn, là …viết lại sách giáo khoa…/.           

2 nhận xét:

qph nói...

Đến nhà thơ Trần Đăng Khoa xem sách học của con còn chẳng hiểu gì cả thì còn ai hiểu nổi nữa đây. Không biết con cái chúng mình rồi sẽ ra sao!!!???

Do Ngoc Thu nói...

Mình rất hâm mộ nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Bác ấy nói cũng đúng. Nhưng theo mình thì văn không biết thế nào chứ Toán thấy có nhiều bài hay lắm. Con mình học lớp 6 mà khi giải cũng vã mồ hôi hột đấy. Giả xong thấy rất hay, tưu duy rất sâu.

Cái mình thấy dở nhất của giáo dục hiện nay là lương giáo viên rất thấp làm cho các thầy không thể chuyên tâm dạy học được. Ngày xưa thì ai cũng nghèo nên các thầy dù có nghèo cũng không thấy tủi, chứ giờ thì khác xa rồi. chính vì lương thấp nên các thầy cứ phải dạy thêm, cấm thì dạy chui, mà ác nhất là ở lớp dạy thêm thì dạy chính, mà ở lớp dạy chính thì....không dạy. Vậy mới có chuyện là ở một số nới cháu nào không đi học thêm thì chỉ có chết. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là lương thấp, nếu lương cao thì mới hút được nhân tài và cái Tâm mới trở lại được.

Cái này ai cũng biết, nhưng khổ lắm, nói mãi, miễn bàn, từ từ rồi tính.

Đăng nhận xét